Lê Bá Khánh Trình chơi với tôi từ thuở thường nhật khoác áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hồi đó, hai đứa là bạn “đồng môn, dị phái”. Nghĩa...
Lê Bá Khánh Trình chơi với tôi từ thuở thường nhật khoác áo trắng đơn sơ mộng trắng trong. Hồi đó, hai đứa là bạn “đồng môn, dị phái”. Nghĩa là cùng khối lớp tại Trường Quốc Học - Huế, nhưng đứa chuyên... tán (toán), đứa chuyên... ăn (văn).
Giai đoạn Trình qua Liên Xô làm sinh viên rồi nghiên cứu sinh, lần nào về nước, Trình cũng tìm tôi để “bù khú cho đã”. Giờ đây, hạnh ngộ giữa Sài Gòn, hai đứa lại là bạn “đồng ngành, dị nghệ”. Nghĩa là cùng gọi Bộ Giáo dục - đào tạo là “Bộ mình”, nhưng đứa thường xuyên bám bục giảng, đứa mải mê viết văn và làm báo.
Bao buổi “trà dư tửu hậu”, Trình và tôi khề khà kể cho nhau nghe vô số chuyện vui buồn, trong đó có lắm điều liên quan thi cử. Nay tôi tái hiện vài buổi thi gay cấn đầy lý thú mà Trình từng tham dự.
IMO 1979: biến sai lầm thành... xuất chúng
Năm 1979, thi học sinh giỏi toán toàn quốc, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải ba. Trình được chọn vào đội tuyển Việt Nam, được nhà giáo Lê Hải Châu làm trưởng đoàn đưa sang London - thủ đô Anh quốc - dự thi Olympic toán quốc tế lần thứ XXI. Kỳ thi thường niên này gọi theo tiếng Anh là International Mathematical Olympiad, nên vẫn được viết tắt gộp với năm tổ chức thành IMO 1979.
Từ đất nước nhiệt đới tràn trề nắng gió Á Đông chuyển sang xứ sở sương mù giá lạnh Âu Tây, cơ thể Trình chưa kịp thích nghi bèn ho sù sụ. Bước vào phòng thi, Trình cắm cúi vừa ho vừa làm bài. Xong xuôi, đọc lại, Trình toát mồ hôi hột: “Hớ rồi! Hiểu lầm đề rồi!”.
Đề thi gồm sáu bài toán, trong đó bài hình học yêu cầu giải “cùng chiều” nhưng Trình lỡ lao phía “ngược chiều”. Nhìn đồng hồ, mặt Trình thêm tím tái: chỉ còn 15 phút. Làm sao giải thật đúng bài hình trong thời gian nhanh nhất?
Trình ôm ngực ho cả tràng “giải lao”, đoạn cuống quít “đại tu” bài thi. Giây phút ấy, bao nhiêu kiến thức cần thiết mà Trình đã được trang bị đều được huy động tối đa. Trình nộp bài muộn gần 10 phút. Giám thị cười:
- Thí sinh này bị bệnh. Thông cảm đấy nhé!
Kết quả IMO 1979 quá thú vị với dòng giống Lạc Hồng. Đội tuyển Việt Nam gồm bốn thí sinh thì ba người đoạt huy chương bạc: Phạm Hữu Tiệp, Bùi Tá Long, Phạm Ngọc Anh Cương. Riêng Lê Bá Khánh Trình đạt tổng số điểm tối đa 42/42 nên đoạt huy chương vàng, lại hân hạnh nhận thêm giải đặc biệt.
Trình thuật:
- Bài hình, tớ vụng về giải nhầm theo phương pháp “ngược chiều”. Khi hí hoáy chỉnh sửa, tớ bật ra hai cách xử lý “cùng chiều”, trong đó có một cách mà ban giám khảo chấm giải đặc biệt. Tớ về Huế, được thầy Trần Văn Khải - giáo viên chủ nhiệm - khen bằng một từ duy nhất rất ý nhị: “Đặng”.
MGU 1984: bất ngờ 1/59
Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov được gọi theo tiếng Nga là Moskovskij Gosudarstvennyj Universitet, nên mọi người quen tắt hóa thành MGU. Ấy là năm 1984, Lê Bá Khánh Trình làm sinh viên khoa toán - cơ ở MGU. Chuẩn bị thi vấn đáp một môn, sĩ tử tất bật “đánh vật” với 60 câu hỏi đã được cho trước. Bận việc riêng đột ngột, Trình chỉ còn đủ thời gian để xem kỹ... một và chỉ một câu hỏi. Đó là định lý phát biểu “hơi bị”... lùng bùng. Đọc tới, đọc lui mấy chục lần, Trình cứ há hốc mồm:
- Cha chả! Há lẽ đầu óc mình... lùng bùng dễ sợ vậy ư?
Tức tối, Trình dành trọn cả buổi “xông pha” thư viện, tra cứu hàng chồng tư liệu, rốt cuộc mới vỡ vạc: phải nắm một định lý cơ bản của một ngành khác, áp dụng vào đây thì thấy rõ vấn đề. Sảng khoái, Trình ghé căng-tin, xơi một chầu ngon.
Đi thi, đầu óc Trình lại... lùng bùng:
- Còn 59 câu hỏi chưa “khai hoang vỡ hóa”. Lo ơi là lắng!
Cặp kính cận ngỡ nhòe mờ ngay sau khi Trình bốc đề: gặp 1 trong 59 câu... bí rị! Trình thở dài ngao ngán:
- Hỡi ôi! Lâm thế nhai ớt hiểm! Đành chịu te tua!
Giám khảo Kirilov hầu như chẳng lưu ý đề của Trình số mấy. Ông bảo:
- Hãy phát biểu định lý...
Phép lạ xuất hiện giữa phàm trần: chính cái định lý từng khiến Trình lùng bùng. Trình vuốt mũi, phát biểu ro ro. Giáo sư Kirilov chất vấn:
- Chỗ kết luận này được anh hiểu sao?
“Chỗ kết luận này” đã buộc Trình sục sạo thư viện và đạt kết quả như ý. Nhờ vậy, Trình hít hơi thật sâu, rồi trả lời rất bình tĩnh và tự tin. Vẻ mặt giáo sư Kirilov rạng rỡ dần. Trình chưa giải đáp xong, vị giám khảo đã khen tốt và cho điểm cao.
Lê Bá Khánh Trình tiết lộ:
- Mãi sau, tớ biết rằng giáo sư Kirilov từng hỏi nhiều sinh viên về định lý... lùng bùng, nhưng thầy chưa hài lòng khi nghe trả lời. Tính tới thời điểm nọ, lối giải đáp của tớ được thầy Kirilov đánh giá tối ưu. May quá chừng chừng!
Vài dòng tâm sự
Tại MGU, Lê Bá Khánh Trình lấy bằng cử nhân năm 1986, sau đó làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar - phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Năm 1990, Trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán lý thuyết, rồi về nước. Từ ấy đến nay, Trình giảng dạy giải tích tại khoa toán Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đồng thời tham gia đào tạo các học sinh chuyên toán Trường Phổ thông năng khiếu trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Đội tuyển Việt Nam sang Mexico tham dự IMO 2005, Lê Bá Khánh Trình làm trưởng đoàn. IMO 2007 tổ chức ở Hà Nội, Lê Bá Khánh Trình là thành viên trong ban giám khảo.
Mới đây, “mần cái week-end” với tôi nơi bãi biển Vũng Tàu, Trình hàn huyên:
- Vì nhiều lý do, thi cử là hoạt động không thể thiếu đối với nhiều bậc học. Thi tuyển học sinh giỏi một số môn dành cho cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế, cũng hết sức bổ ích. Sự may mắn hay xui rủi xảy ra với từng thí sinh trong thi cử là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả ưu việt, trước tiên thí sinh cần liên tục chăm học, chăm đọc, biết phương pháp giải quyết các bài tập, cố rèn luyện tâm lý thi đấu vững vàng.
Tôi cười:
- Xuất hiện câu danh ngôn: “Thi cử là sự cần thiết đáng buồn”. Ai đã nếm trải những kỳ thi học đường, sau đó vẫn cho rằng các kỳ “lều chõng” tạo dệt muôn kỷ niệm dễ thương. Phải vậy chăng?
Lê Bá Khánh Trình nâng ly:
- Mỗi lần thi cử, học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh không tránh khỏi lo âu, mệt mỏi, nhưng thu thập hàng loạt điều thú vị. Những kỳ thi học đường dẫu dịu êm hay căng thẳng, chắc chắn rồi sẽ trở thành kỷ niệm vô vàn đáng yêu. Chứ trong cuộc mưu sinh, những kỳ thi ngoài học đường lắm phen nghiệt ngã, kinh khiếp đến khó lường!
Giai đoạn Trình qua Liên Xô làm sinh viên rồi nghiên cứu sinh, lần nào về nước, Trình cũng tìm tôi để “bù khú cho đã”. Giờ đây, hạnh ngộ giữa Sài Gòn, hai đứa lại là bạn “đồng ngành, dị nghệ”. Nghĩa là cùng gọi Bộ Giáo dục - đào tạo là “Bộ mình”, nhưng đứa thường xuyên bám bục giảng, đứa mải mê viết văn và làm báo.
Bao buổi “trà dư tửu hậu”, Trình và tôi khề khà kể cho nhau nghe vô số chuyện vui buồn, trong đó có lắm điều liên quan thi cử. Nay tôi tái hiện vài buổi thi gay cấn đầy lý thú mà Trình từng tham dự.
IMO 1979: biến sai lầm thành... xuất chúng
Năm 1979, thi học sinh giỏi toán toàn quốc, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải ba. Trình được chọn vào đội tuyển Việt Nam, được nhà giáo Lê Hải Châu làm trưởng đoàn đưa sang London - thủ đô Anh quốc - dự thi Olympic toán quốc tế lần thứ XXI. Kỳ thi thường niên này gọi theo tiếng Anh là International Mathematical Olympiad, nên vẫn được viết tắt gộp với năm tổ chức thành IMO 1979.
Từ đất nước nhiệt đới tràn trề nắng gió Á Đông chuyển sang xứ sở sương mù giá lạnh Âu Tây, cơ thể Trình chưa kịp thích nghi bèn ho sù sụ. Bước vào phòng thi, Trình cắm cúi vừa ho vừa làm bài. Xong xuôi, đọc lại, Trình toát mồ hôi hột: “Hớ rồi! Hiểu lầm đề rồi!”.
Đề thi gồm sáu bài toán, trong đó bài hình học yêu cầu giải “cùng chiều” nhưng Trình lỡ lao phía “ngược chiều”. Nhìn đồng hồ, mặt Trình thêm tím tái: chỉ còn 15 phút. Làm sao giải thật đúng bài hình trong thời gian nhanh nhất?
Trình ôm ngực ho cả tràng “giải lao”, đoạn cuống quít “đại tu” bài thi. Giây phút ấy, bao nhiêu kiến thức cần thiết mà Trình đã được trang bị đều được huy động tối đa. Trình nộp bài muộn gần 10 phút. Giám thị cười:
- Thí sinh này bị bệnh. Thông cảm đấy nhé!
Kết quả IMO 1979 quá thú vị với dòng giống Lạc Hồng. Đội tuyển Việt Nam gồm bốn thí sinh thì ba người đoạt huy chương bạc: Phạm Hữu Tiệp, Bùi Tá Long, Phạm Ngọc Anh Cương. Riêng Lê Bá Khánh Trình đạt tổng số điểm tối đa 42/42 nên đoạt huy chương vàng, lại hân hạnh nhận thêm giải đặc biệt.
Trình thuật:
- Bài hình, tớ vụng về giải nhầm theo phương pháp “ngược chiều”. Khi hí hoáy chỉnh sửa, tớ bật ra hai cách xử lý “cùng chiều”, trong đó có một cách mà ban giám khảo chấm giải đặc biệt. Tớ về Huế, được thầy Trần Văn Khải - giáo viên chủ nhiệm - khen bằng một từ duy nhất rất ý nhị: “Đặng”.
MGU 1984: bất ngờ 1/59
Đại học Tổng hợp Matxkva mang tên Lomonosov được gọi theo tiếng Nga là Moskovskij Gosudarstvennyj Universitet, nên mọi người quen tắt hóa thành MGU. Ấy là năm 1984, Lê Bá Khánh Trình làm sinh viên khoa toán - cơ ở MGU. Chuẩn bị thi vấn đáp một môn, sĩ tử tất bật “đánh vật” với 60 câu hỏi đã được cho trước. Bận việc riêng đột ngột, Trình chỉ còn đủ thời gian để xem kỹ... một và chỉ một câu hỏi. Đó là định lý phát biểu “hơi bị”... lùng bùng. Đọc tới, đọc lui mấy chục lần, Trình cứ há hốc mồm:
- Cha chả! Há lẽ đầu óc mình... lùng bùng dễ sợ vậy ư?
Tức tối, Trình dành trọn cả buổi “xông pha” thư viện, tra cứu hàng chồng tư liệu, rốt cuộc mới vỡ vạc: phải nắm một định lý cơ bản của một ngành khác, áp dụng vào đây thì thấy rõ vấn đề. Sảng khoái, Trình ghé căng-tin, xơi một chầu ngon.
Đi thi, đầu óc Trình lại... lùng bùng:
- Còn 59 câu hỏi chưa “khai hoang vỡ hóa”. Lo ơi là lắng!
Cặp kính cận ngỡ nhòe mờ ngay sau khi Trình bốc đề: gặp 1 trong 59 câu... bí rị! Trình thở dài ngao ngán:
- Hỡi ôi! Lâm thế nhai ớt hiểm! Đành chịu te tua!
Giám khảo Kirilov hầu như chẳng lưu ý đề của Trình số mấy. Ông bảo:
- Hãy phát biểu định lý...
Phép lạ xuất hiện giữa phàm trần: chính cái định lý từng khiến Trình lùng bùng. Trình vuốt mũi, phát biểu ro ro. Giáo sư Kirilov chất vấn:
- Chỗ kết luận này được anh hiểu sao?
“Chỗ kết luận này” đã buộc Trình sục sạo thư viện và đạt kết quả như ý. Nhờ vậy, Trình hít hơi thật sâu, rồi trả lời rất bình tĩnh và tự tin. Vẻ mặt giáo sư Kirilov rạng rỡ dần. Trình chưa giải đáp xong, vị giám khảo đã khen tốt và cho điểm cao.
Lê Bá Khánh Trình tiết lộ:
- Mãi sau, tớ biết rằng giáo sư Kirilov từng hỏi nhiều sinh viên về định lý... lùng bùng, nhưng thầy chưa hài lòng khi nghe trả lời. Tính tới thời điểm nọ, lối giải đáp của tớ được thầy Kirilov đánh giá tối ưu. May quá chừng chừng!
Vài dòng tâm sự
Tại MGU, Lê Bá Khánh Trình lấy bằng cử nhân năm 1986, sau đó làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar - phó chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga. Năm 1990, Trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ toán lý thuyết, rồi về nước. Từ ấy đến nay, Trình giảng dạy giải tích tại khoa toán Trường đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, đồng thời tham gia đào tạo các học sinh chuyên toán Trường Phổ thông năng khiếu trực thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. Đội tuyển Việt Nam sang Mexico tham dự IMO 2005, Lê Bá Khánh Trình làm trưởng đoàn. IMO 2007 tổ chức ở Hà Nội, Lê Bá Khánh Trình là thành viên trong ban giám khảo.
Mới đây, “mần cái week-end” với tôi nơi bãi biển Vũng Tàu, Trình hàn huyên:
- Vì nhiều lý do, thi cử là hoạt động không thể thiếu đối với nhiều bậc học. Thi tuyển học sinh giỏi một số môn dành cho cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế, cũng hết sức bổ ích. Sự may mắn hay xui rủi xảy ra với từng thí sinh trong thi cử là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, để đạt được kết quả ưu việt, trước tiên thí sinh cần liên tục chăm học, chăm đọc, biết phương pháp giải quyết các bài tập, cố rèn luyện tâm lý thi đấu vững vàng.
Tôi cười:
- Xuất hiện câu danh ngôn: “Thi cử là sự cần thiết đáng buồn”. Ai đã nếm trải những kỳ thi học đường, sau đó vẫn cho rằng các kỳ “lều chõng” tạo dệt muôn kỷ niệm dễ thương. Phải vậy chăng?
Lê Bá Khánh Trình nâng ly:
- Mỗi lần thi cử, học sinh, sinh viên và nghiên cứu sinh không tránh khỏi lo âu, mệt mỏi, nhưng thu thập hàng loạt điều thú vị. Những kỳ thi học đường dẫu dịu êm hay căng thẳng, chắc chắn rồi sẽ trở thành kỷ niệm vô vàn đáng yêu. Chứ trong cuộc mưu sinh, những kỳ thi ngoài học đường lắm phen nghiệt ngã, kinh khiếp đến khó lường!
(PHANXIPĂNG , Tuổi Trẻ Online)